Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

VÀI NÉT VỀ LUẬT SƯ BÀO CHỮA TRONG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ HOA KỲ VÀ AUSTRALIA
LÊ NHẬT BẢO 


1.                  Đặt vấn đề.
Hoa Kỳ Australia là hai quốc gia nổi tiếng trong giới khoa học pháp lý về sự phát triển đỉnh cao của mô hình tố tụng tranh tụng chứa đựng nhiều điểm ưu việt được nhiều chuyên gia luật pháp từ quốc gia khác nhau nghiên cứu và học hỏi. Điểm chung trong hệ thống tranh tụng của hai quốc gia này là dựa trên tư tưởng tố tụng là cuộc tranh trụng tại Tòa án giữa một bên là người bị buộc tội và một bên là người buộc tội, hai bên được sử dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, phân tích và đưa ra các kết luận đối với những sự việc cụ thể, vị thế của Luật sư bào chữa (gọi tắt là Luật sư) trong pháp luật của các quốc gia này được đề cao và xem trọng hơn bất kì mô hình tố tụng nào khác. Trong phạm vi bài viết này tác giả xin được giới thiệu đến bạn đọc một cách khái quát nhất về vai trò của Luật sư bào chữa trong pháp luật TTHS Hoa Kỳ và Australia, qua đó hy vọng rằng có thể đóng góp phần nào sức mình vào nguồn lý luận chung về người bào chữa cho nền khoa học pháp lý tố tụng hình sự ở nước ta.
2.                  Luật sư bào chữa trong pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ.
Nguồn luật được áp dụng tại Mỹ có hai loại là thành văn và bất thành văn. Trong đó nguồn luật bất thành văn – án lệ, được sử dụng chủ yếu và thương xuyên nhất. Chính vì thế, địa vị pháp lý của Luật sư được ghi nhận không chỉ trong các văn bản pháp luật thành văn mà còn hiện diện nhiều trong các án lệ của nước Mỹ.
Vì Nhà nước Hoa Kỳ được tố chức theo mô hình liên bang cho nên hệ thống pháp luật ở nước này gồm pháp luật liên bang và pháp luật các bang. Ở cấp liên bang, quyền có người bào chữa của người bị buộc tội được ghi nhận trong những điều khoản cụ thể của Đạo luật Nhân quyền bao gồm Tu chính pháp thứ IV, V, VII, VIII và tu chính thứ XIV về Tố tụng công bằng, điều khoản Bảo đảm công bằng, Bộ luật TTHS Liên bang và Bộ luật cơ bản của Hoa Kỳ. Ở cấp bang, quyền lợi của người bị buộc tội được bảo đảm bởi Hiến pháp và các đạo luật của bang. Tuy nhiên, người bị buộc tội cũng có quyền viện dẫn đến những bảo đảm được ghi nhận trong Hiến pháp liên bang.[1]  Đối với án lệ, một số án lệ nổi tiếng có đề cập đến quyền có Luật sư của người bị buộc tội như: án lệ Powell v. Alabama năm 1932, án lệ Johnson v. Zerbst năm 1938, án lệ Bett v. Brady năm 1942, án lệ Gideon v. Wainwright năm 1963, án lệ In Re Gault năm 1967, án lệ Argeringer v. Hamlin năm 1972…Những án lệ này cho thấy phạm vi bảo đảm quyền có người bào chữa trong TTHS Mỹ mang tính lịch sử và ngày càng được mở rộng. [2]
Trước thời điểm năm 1966, TTHS Mỹ có một đặc trưng là quá trình tố tụng hình sự Hoa Kỳ chỉ bắt đầu từ giai đoạn xét xử, không có các giai đoạn tiền xét xử, các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ của các bên diễn ra một cách tùy nghi, không có sự quản lý chặt chẽ. Vì thế phạm vi bào chữa tương đối hẹp và chính thức bắt đầu từ giai đoạn xét xử, nhưng không vì thế mà vị thế của Luật sư lại không được đề cao, ngược lại vai trò của Luật sư rất quan trọng. Ở phiên tòa bên bào chữa và bên buộc tội giữ vai trò chính, hai bên có địa vị pháp lý bình đẳng, khách quan, không bên nào được lấn át hay áp đặt nhận thức đối với bên kia về quan điểm mà mình đưa ra, Tòa án như một trọng tài phân xử. Tòa án có quyền chất vấn nhưng ít khi họ sử dụng quyền này. Bồi thẩm đoàn và chủ tọa chỉ lắng nghe cuộc tranh luận có tính quyết định giữa Côn tố viên và Luật sư, sau đó nghị án. Hoạt động của Luật sư ở đây rất chủ động.
Tuy nhiên, kể từ năm 1966 - thời điểm hình thành án lệ nổi tiếng Ernest Miranda v. Arizona[3], học thuyết có tội về mặt pháp lý được hình thành. Điển hình là “cảnh báo Miranda - Miranda warning”, một lời cảnh báo được cảnh sát thông báo cho nghi phạm hình sự ngay lúc bị bắt giữ, hay khi đang ở tình trạng giam giữ, trước khi nghi phạm hình sự bị thẩm vấn hoặc lấy cung liên quan đến sự phạm tội, hay trong một tình trạng quyền tự do đi lại của nghi phạm bị cản trở dù người đó không bi bắt giữ. Một bản buộc tội bởi một nghi phạm sẽ không tạo thành một chứng cứ có thể thừa nhận trừ phi nghi phạm đó đã được thông báo cho biết "các quyền Miranda[4]" của mình và đã được người ta làm cho hiểu, nắm rõ và tự nguyện từ bỏ các quyền này. Án lệ Miranda được coi là mở rộng những đảm bảo của Tu chính pháp VI và XIV về quyền có Luật sư bắt đầu từ giai đoạn tiền xét xử.
Từ đó trở về sau, quyền có Luật sư của người bị buộc tội được các Tu chính pháp thứ VI, V, VI khẳng định: “Trong tất cả các hoạt động cáo buộc hình sự, người bị buộc tội sẽ có quyền được xét xử nhanh chóng và công khai bởi hội đồng xét xử của trung ương …. và được nhận sự hỗ trợ từ phía người bào chữa. Dựa trên nền tảng này, Bộ luật cơ bản Hoa Kỳ và Đạo luật Liên bang về TTHS đã cụ thể hóa các quy định về trình tự tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Ví dụ như Nguyên tắc 5 của Đạo luật Liên bang về TTHS thì tại phiên trình diện ban đầu đối với vụ án nghiêm trọng và ít nghiêm trọng, một trong những nội dung mà thẩm phán phải thông báo cho bị cáo là quyền của bị cáo được có người bào chữa hoặc yêu cầu chỉ định người bào chữa nếu bị cáo không thể có được người bào chữa. Bên cạnh đó, vị thẩm phán phải cho phép bị cáo có cơ hội hợp lý để hỏi ý kiến người bào chữa.
Luật sư trong TTHS Hoa Kỳ có một số quyền nổi bậc sau đây: đối với giai đoạn điều tra do CQĐT hay đại bồi thẩm đoàn tiến hành, Luật sư bào chữa nhìn chung không có quyền tham gia vào quá trình điều tra. Song, vẫn có Luật sư sẵn sàng cung cấp các ý kiến pháp lý; Luật sư thường xuyên tham vấn với khách hàng nhất là về những quyết định quan trọng thông qua các giai đoạn xét xử tại tòa án quận và tòa phúc thẩm; Luật sư luôn cách để thân chủ của họ được tại ngoại dựa trên quá trình điều tra về lai lịch của bị can; điều tra về các tình tiết của vụ án, thường thì thực hiện với sự hỗ trợ của điều tra viên tư nhân; quyết định các vấn đề pháp lý sẽ được đưa ra giải quyết trước phiên xử và trình các đề nghị hợp lý[5].
Như vậy, thời điểm tham gia của Luật sư vào TTHS Hoa Kỳ là từ khi một người tình nghi đã bị truy tố về hình sự dù chỉ mới ở độ sơ khởi của hoạt động tố tụng, họ có quyền giữ im lặng cho đến khi gặp được Luật sư. Với sự chấp thuận của người bị buộc tội, Luật sư được thường xuyên duy trì việc tiếp xúc với thân chủ của mình, tư vấn cho thân chủ mình về pháp luật, thậm chí là cách đối phó với việc hỏi cung, lấy lời khai của cán bộ điều tra. Luật sư được thực hiện các quyền này mà pháp luật Hoa Kỳ không buộc phải có được sự chấp thuận của CQTHTT. Điều này xuất phát từ quan điểm lập pháp Mỹ cho rằng nếu các CQTHTT có thể giữ người một cách hợp pháp, có quyền hỏi bị can và tiến hành các biện pháp nhằm buộc tội thì để đáp lại, Luật sư bào chữa thay mặt cho thân chủ cũng có quyền tiến hành các hoạt động tiếp xúc, thu thập chứng cứ, điều tra nhằm mục đích gỡ tội.
Tại phiên tòa ở Mỹ, sự khác biệt giữa việc đưa lý lẽ từ phía công tố và từ phía luật sư bào chữa là ở trách nhiệm của họ trước pháp luật. Luật sư không bị yêu cầu xuất trình bất kỳ bằng chứng mới hay nhân chứng nào. Việc bào chữa chỉ đơn thuần là chất vấn mức độ tin cậy hay tính hợp pháp của bằng chứng và nhân chứng do công tố đưa ra. Luật sư không bắt buộc phải chứng minh sự vô tội của bị cáo, chỉ cần chỉ ra rằng lý lẽ của bên công tố chưa ổn, chưa hợp lý. Sau khi luật sư bào chữa xong, tạm quay về chỗ ngồi thì công tố có quyền đưa ra bằng chứng bác bỏ. Đến lượt mình, luật sư bào chữa đưa ra lời kháng biện, được gọi là lời đập lại lời buộc tội của công tố. Sau đó mỗi bên đưa ra những lý lẽ cuối cùng. Thẩm phán dù rất quan trọng nhưng lại có vai trò tương đối thụ động.
3.                  Luật sư bào chữa trong tố tụng hình sự Australia.
Giống như ở Hoa Kỳ, nhà nước Australia tổ chức theo mô hình Liên bang, được điều chỉnh bởi Hiến pháp của Khối thịnh vượng chung của Australia. Bản Hiến pháp này không có quy định cơ bản rõ ràng nào về quyền bào chữa trong Hiến pháp, tuy nhiên quyền được xét xử công bằng thì tồn tại như một quyền của hệ thống thông luật cơ bản. Hơn nữa, Tòa Thượng thẩm khẳng định rằng Hiến pháp Australia đã bao gồm quyền được xét xử công bằng thông qua những khái niệm mặc nhiên về công bằng tư pháp theo Hiến pháp Australia[6].
 Trong quyết định của Tòa Thượng thẩm Dietrich v R, phần lớn Tòa cho rằng những bị cáo nghèo khổ có quyền được đại diện pháp lý như một phần của quyền được xét xử công bằng của hệ thống thông luật[7]. Áp dụng quyền này là trao cho tòa án quyền hoãn thủ tục tố tụng hình sự nếu không có sự hiện diện của luật sư - điều có thể dẫn tới xét xử không công bằng trong tố tụng hình sự nghiêm trọng. Quyết định Dietrich đã quy định một bước tố tụng trong hệ thống hình sự nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền bào chữa và thẩm phán được trao quyền có thể từ chối tiến hành xét xử trong trường hợp bị cáo không có đại diện pháp lý. Tuy nhiên, các bang trong Khối thịnh vượng chung của Liên bang Australia đã ban hành một quy định để đáp lại quyết định Dietrich; ví dụ như, bang Victoria đã thông qua một quy định sửa đổi cho phép thẩm phán quyền quyết định được yêu cầu cung cấp trợ giúp pháp lý thay vì một yêu cầu trì hoãn tố tụng.
Ở bang Victoria và Vùng Thủ đô Australia, hiến chương quyền con người được áp dụng. Theo Phần 25(2)(b) của Hiến chương quyền con người của bang Victoria, một bị can hình sự được có “đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị cho việc bào chữa và có quyền liên hệ với luật sư hay người tư vấn do mình lựa chọn”. Một quy định rõ hơn về trợ giúp pháp lý, cụ thể là yêu cầu một người bị tình nghi có thể tiếp cận với trợ giúp pháp lý được đưa ra tại Phần 25(2)(e)-(f). Quy định này bị coi là chưa xác định rõ ràng quyền bào chữa trong quá trình điều tra trước xét xử. 
 Đặc quyền pháp lý của thân chủ là một quy tắc được công nhận của hệ thống thông luật ở Australia để bảo vệ quyền giao tiếp riêng tư giữa thân chủ và luật sư, hiện nay được quy định trong một số đạo luật của Australia.
 Đáng lưu ý nhất là Đoạn 23G(2)(b) Luật Hình sự của Khối thịnh vượng chung Australia 1914 (Australian Commonwealth Crimes Act 1914) quy định nếu một người bị bắt hay bị cảnh sát giam giữ muốn liên lạc với luật sư thì cán bộ điều tra phải cho phép thực hiện việc liên lạc này với điều kiện không bị nghe lén ở độ xa thích hợp nhất. Nhưng điều này có một ngoại lệ, hạn chế bởi những yêu cầu nghiêm ngặt, là khi việc tuân thủ quyền liên lạc bí mật có khả năng bóp méo công lý (khi việc giao tiếp của họ bị nghi ngờ là phá hủy hay làm thay đổi bằng chứng, đe dọa nhân chứng, hay sĩ quan phụ tá trong việc tòng phạm tránh bị bắt). Hơn nữa, Luật về Chứng cứ của Khối thịnh vượng chung Australia 1995 (Australian Commonwealth Evidence Act 1995) bảo vệ đặc quyền pháp lý của thân chủ, ngăn ngừa việc thu thập chứng cứ có thể dẫn tới tiết lộ thông tin riêng tư giữa thân chủ và luật sư. Những quy định này được lặp lại khi thực hiện việc thống nhất các Luật về Chứng cứ ở các bang của Australia.
 Trong tố tụng tranh tụng tại Australia, quy tắc về chứng cứ có ý nghĩa quyết định đến quá trình tranh tụng tại phiên toà. Vì vậy luật chứng cứ quy định rất cụ thể, chặt chẽ loại chứng cứ nào có thể được đưa ra trước những người có thẩm quyền quyết định. Trách nhiệm, nghĩa vụ của Cảnh sát, Công tố phải công khai mọi chứng cứ buộc tội đối với bị cáo tại phiên toà tranh tụng, Công tố có nghĩa vụ phải cung cấp tất cả những chứng cứ buộc tội cho Luật sư bào chữa, nhưng Luật sư bào chữa không có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ cho phía cơ quan tố tụng, tuy vậy trên thực tế những chứng cứ ngoại phạm của thân chủ thì thường cũng được Luật sư cung cấp cho Công tố trước khi xét xử để các bên có thể xem xét quyết định.
Bên cạnh đó trong hệ thống tranh tụng ở Australia, Công tố viên, Luật sư bào chữa có quyền trình bày, đưa ra chứng cứ để bảo vệ lập luận, quan điểm của mình, trường hợp bị cáo nhận tội thì vụ án được xét xử luôn theo chế độ một thẩm phán để quyết định về hình phạt đối với bị cáo, trường hợp bị cáo không nhận tội và đề nghị đưa ra xét xử tại Toà án có bồi thẩm đoàn thì vụ án được chuyển cho Toà án cấp trên để chuẩn bị xét xử theo thủ tục có Bồi thẩm đoàn. Tại phiên toà xét xử có Bồi thẩm đoàn các bên buộc tội và Luật sư bào chữa đưa ra những chứng cứ, nhân chứng của mình để chứng minh cho quan điểm của mình và có thể kiểm tra chéo những nhân chứng mà các bên đưa ra. Qúa trình tranh tụng tại phiên tòa mang tính chất khắc nghiệt, vì thế Luật sư bào chữa ở Australia đòi hỏi phải có kỹ năng thuyết phục rất giỏi, để có thể làm cho bồi thẩm đoàn nghiêng về phía ý kiến của mình.
Một điểm khá lạ trong TTHS của Australia và Hoa Kỳ là có cơ chế khuyến khích bị cáo nhận tội hoặc cho phép mặc cả để bị can nhận tội… đổi lại bị can có thể được miễn truy tố về một hoặc một số hành vi phạm tội hay được giảm hình phạt sau này[8]. Việc mặc cả nhận tội được diễn ra giữa cơ quan Cảnh sát và Công tố với bị can, bị cáo cùng Luật sư của họ. Vì thế vai trò của Luật sư là phải tư vấn cho bị can, bị cáo có nên nhận tội hay không khai báo để ra Tòa sẽ phản bác lại. Cơ chế này tác động tới trình tự tố tụng vì khi bị cáo nhận tội dù ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào, toàn bộ thủ tục tố tụng đối với bị cáo sẽ được thay đổi theo hướng không còn tranh tụng nữa và khi đó thẩm phán sẽ kiểm tra lại hồ sơ và quyết định hình phạt.
Hiến pháp Australia và hệ thống pháp luật nước này không quy định rõ về quyền bào chữa. Tuy nhiên, việc không có luật sư bào chữa có thể bị coi là xét xử không công bằng, thủ tục tố tụng hình sự có thể bị đình chỉ hoặc hoãn lại để nhận được trợ giúp pháp lý của người bào chữa dành cho người bị buộc tội, hay một yêu cầu hỗ trợ pháp lý do tòa trực tiếp đưa ra.
4.                  Kết luận.
            Luật sư bào chữa trong pháp luật Mỹ và Australia mặc dù cũng được nhìn nhận là người phục vụ xã hội, nhưng nghĩa vụ chính của luật sư bào chữa vẫn là bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Trước hết là người đại diện cho quyền lợi của khách hàng, có trách nhiệm và bổn phận đối với khách hàng như đối với quyền lợi riêng của mình; nhiệm vụ của luật sư là hành nghề một cách thiện chí, trung thực, tôn trọng quy định của pháp luật, nhưng lại không có bất kỳ nghĩa vụ nào trong việc tìm ra sự thật. Luật sư bào chữa không tham gia tố tụng với vai trò hỗ trợ, bổ sung mà là một trong những chủ thể chính tiến hành tố tụng. Luật sư tham gia bào chữa trong vụ án hình sự tại hai nước này thông thường rất nhiệt tình và sẵn sàng làm tất cả mọi việc có thể để bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ. Song điều đó không có nghĩa là luật sư bào chữa không bị giới hạn về quyền hạn hay hoàn toàn tự do làm bất cứ việc gì cho khách hàng. Luật pháp Mỹ và Australia đều có quy định những gì luật sư không được phép làm, cấm luật sư làm những điều trái với pháp luật và đạo đức. Chẳng hạn, luật pháp Hoa Kỳ quy định luật sư bào chữa không được dùng những ngôn ngữ nhằm kích động bồi thẩm đoàn, không được yêu cầu bồi thẩm đoàn tưởng tượng rằng họ đang là bị cáo, không được xúc phạm cá nhân Công tố viên…Nhìn chung thì Luật sư bào chữa trong TTHS của Mỹ và Australia  khá chủ động, đặc biệt là trong hoạt động thu thập và trình bày chứng cứ để bảo vệ thân chủ của mình trước sự buộc tội của cơ quan công quyền. Bên cạnh đó, bởi vì sự phức tạp của các quy tắc tố tụng, chứng cứ và luật nội dung, bị can, bị cáo dù giàu có và có quyền lực đến đâu cũng thường không tự mình tiến hành tố tụng mà phải có đội ngũ luật sư bào chữa chuyên nghiệp đại diện trong các hoạt động tố tụng, đặc biệt là đại diện tại phiên toà.
Hy vọng với bài viết trên, tác giả mong rằng có thể đóng góp phần nào nguồn lý luận cho khoa học pháp lý TTHS của nước ta. Bên cạnh đó, vì kiến thức và khả năng ngoại ngữ còn nhiều hạn chế, cho nên khó có thể tránh được sai sót, nhưng với tinh thần cầu tiến, tác giả rất mong nhận được sự đóng góp chân thành từ phía bạn đọc./.




[1] Th.S Lương Thị Mỹ Quỳnh. Đảm bảo quyền có người bào chữa trong tố tụng hình sự Mỹ. Tạp chí Khoa học pháp lý số 4 năm 2011.
[2] Th.S Lương Thị Mỹ Quỳnh. Đảm bảo quyền có người bào chữa trong tố tụng hình sự Mỹ. Tạp chí Khoa học pháp lý số 4 năm 2011.
[3] Tóm tắt án lệ Miranda: Chiều ngày 3/3/1963, một cô gái mười tám tuổi bị bắt cóc và bị cưỡng hiếp tại Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ. Mười ngày sau, cảnh sát đã bắt Ernesto Miranda tại nhà, áp giải tới đồn và đặt người này vào hàng những người đứng để được nhận dạng. Nạn nhân đã nhận ra Miranda ngay và tên này đã bị đưa vào phòng riêng để thẩm vấn. Sau hai giờ thẩm vấn, Miranda đã ký giấy thú tội là hắn đã bắt cô gái và hiếp cô ta. Tại phiên toà, luật sư của Miranda đã chỉ ra rằng, cảnh sát đã không thông báo cho Miranda biết về quyền được có luật sư và quyền của luật sư có mặt tại cuộc thẩm vấn (quy định này đã được xác lập bằng án lệ Escobedo kiện bang Illinois năm 1964). Miranda vẫn bị toà án sơ thẩm kết án, nhưng khi xét xử phúc thẩm, Toà án tối cao liên bang đã huỷ bản án sơ thẩm, bởi vì bị cáo đã thú nhận với cảnh sát mà không được báo trước rằng, bị cáo có quyền được từ chối việc tự kết tội mình hay quyền được im lặng (không khai báo) “không ai phải tham gia vụ án hình sự với tư cách là người làm chứng để chống lại chính mình” và quyền có luật sư đại diện.
[4] Theo “Cảnh báo Miranda”, pháp luật Mỹ quy định, nếu cảnh sát muốn thẩm vấn người bị buộc tội khi bắt giữ người đó thì bốn câu cảnh sát phải nói với người bị bắt giữ là: (1) Anh được quyền giữ im lặng; (2) Bất kỳ câu nói nào của anh có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh; (3) Anh có quyền trao đổi ý kiến với luật sư; (4) Nếu anh không mời luật sư thì một luật sư sẽ được cử để đại diện cho anh.
[5] TS. Tô Văn Hòa. Những mô hình Tố tụng hình sự điển hình trên thế giới. Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2012, trang 420-422.

[6] Gideon Boas. Dietrich (1993). Dietrich, the High Court and Unfair Criminal Trials Legislation - A Constitutional Guarantee? Monash University - Faculty of Law, page 265.

[7] Nick O'Neill (2004). Simon Rice and Roger Douglas, Retreat from Injustice: Human Rights in Australian Law, page 229.

[8] Ngô Quang Liễn. Cơ quan Công tố và việc tranh tụng tại các nước Australia và New Zealand. Tạp chí Kiểm sát, số 11 năm 2004.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét