Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

VÀI NÉT VỀ CÔNG ƯỚC VIÊN 1980

Tác giả bài viết: LÊ NHẬT BẢO

1.   Lịch sử hình thành Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Convention on Contracts for the International Sale of Goods - CISG) được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) trong một nỗ lực hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế dựa trên hai công ước đã có trước đó là  Công ước iên quan đến Luật thống nhất về giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa (ULF) và Công ước liên quan đến Luật thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế (ULIS), cả hai công ước này đều được thông qua ở La Hay năm 1964.
Tuy nhiên, hai công ước này không được sử dụng rộng rãi. Có 4 lý do chính khiến các nước bài trừ ULIS và ULF và muốn phát triển một công ước mới: (1) Hội nghị La Haye chỉ có 28 nước tham dự với rất ít đại diện từ các nước XHCN và các nước đang phát triển, vì thế người ta tin rằng các Công ước này được soạn có lợi hơn cho người bán từ các nước tư bản; (2) các Công ước này sử dụng các khái niệm quá trừu tượng và phức tạp, rất dễ gây hiểu nhầm; (3) các Công ước này thiên hướng về thương mại giữa các quốc gia cùng chung biên giới hơn là thương mại quốc tế liên quan đến vận tải biển; và (4) quy mô áp dụng của chúng quá rộng, vì chúng được áp dụng bất kể có xung đột pháp luật hay không.[1] 
Năm 1968, trên cơ sở yêu cầu của đa số các thành viên Liên Hợp Quốc về một khuôn khổ mới với “sự mở rộng ra các nước có nền pháp lý, kinh tế chính trị khác nhau” , UNCITRAL đã khởi xướng việc soạn thảo một Công ước thống nhất về pháp luật nội dung áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhằm thay thế cho hai Công ước La Haye năm 1964. Được soạn thảo dựa trên các điều khoản của hai Công ước La Haye, song Công ước Viên 1980 có những điểm đổi mới và hoàn thiện cơ bản. Công ước này được thông qua tại Viên (Áo) ngày 11 tháng 04 năm 1980 tại Hội nghị của Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế với sự có mặt của đại diện của khoảng 60 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế. CISG có hiệu lực từ ngày 01/01/1988 (khi có 10 quốc gia phê chuẩn, theo Điều 99 của Công ước).[2]
Ngày nay, CISG đã được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu và được xem là công ước thành công nhất góp phần thúc đẩy các quan hệ thương mại quốc tế, tăng cường các quan hệ thương mại xuyên biên giới. Đến thời điểm ngày 01/08/2011 số lượng thành viên của CISG đã tăng lên 77 nước[3]. Công ước đã thể hiện vai trò quan trọng của nó trong việc góp phần giải quyết các xung đột pháp luật trong kinh doanh quốc tế. Điều này được thể hiện qua rất nhiều bản án, phán quyết của Toà án và Trọng tài trên khắp thế giới. Với hơn 2500 vụ tranh chấp đã được Tòa án và trọng tài các nước/quốc tế giải quyết  có liên quan đến việc áp dụng và diễn giải Công ước Viên 1980  được báo cáo[4]. Với tư cách là nguồn của Luật thương mại quốc tế, CISG được áp dụng trong trường hợp các bên trong hợp đồng thỏa thuận lựa chọn Công ước Viên 1980 như là luật áp dụng, hoặc do các tòa án, trọng tài dẫn chiếu đến để giải quyết tranh chấp thông qua các quy phạm pháp luật xung đột. Và nó cũng được các thương nhân tại các quốc gia chưa phải là thành viên của Công ước thường xuyên áp dụng để điều chỉnh các quan hệ thương mại với các thương nhân đối tác đến từ các quốc gia khác. Tất cả những điều này đã thúc đẩy việc loại trừ các rào cản pháp lý trong thương mại quốc tế, hỗ trợ cho việc phát triển thương mại quốc tế.

2.                  Nội dung cơ bản của CISG.
CISG bao gồm 101 điều khoản và được chia thành 4 phần:
-             Phần I: từ Điều 1 đến Điều 13 quy định về phạm vi áp dụng Công ước và các điều khoản chung.
-             Phần II: từ Điều 14 đến Điều 24 quy định về giao kết hợp đồng.
-             Phần III: từ Điều 25 đến Điều 88 bao gồm các quy định thực chất điều chỉnh hợp đồng mua bán, trong đó quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, và các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng.
-             Phần IV: từ Điều 89 đến Điều 101 quy định về việc phê chuẩn và hiệu lực của Công ước, bao gồm cả quy định về bảo lưu Công ước.
Công ước Viên 1980 thể hiện một số nội dung chính như sau: tiêu chí xác định một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của CISG; Phạm vi áp dụng hợp đồng; Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; Nghĩa vụ của bên bán và bên mua; Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

2.1.             Tiêu chí xác định một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của CISG.
 Điều 1 CISG quy định:
Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau.
a. Khi các quốc gia này là các quốc gia thành viên của Công ước hoặc,
b. Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật được áp dụng là luật của nước thành viên Công ước này.
Như vậy tiêu chí để xác định một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của CISG, chịu sự điều chỉnh của Công ước viên 1980 là trụ sở kinh doanh của các bên kí kết hợp đồng tại các quốc gia khác nhau, mà các quốc gia này là thành viên của CISG hay khi có các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một nước thành viên CISG.
Với quy định xác định “trụ sở thương mại” của các bên kí kết hợp đồng, đã loại bỏ các hình thức đại diện cho thương nhân như văn phòng đại diện hay chi nhánh, những hình thức này chỉ là các đơn vị phụ thuộc, đại diện cho thương nhân, không phải là trụ sở thương mại của bên kí kết. Trong trường hợp có bên kí kết có từ hai trụ sở thương mại trở lên thì trụ sở thương mại của họ sẽ được coi là trụ sở nào có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và đối với việc thực hiện hợp đồng đó, có tính tới những tình huống mà các bên đều biết hoặc đều dự đoán được vào bất kỳ lúc nào trước hoặc vào thời điểm hợp đồng. Bên cạnh đó nếu nếu một bên không có trụ sở thương mại thì sẽ lấy nơi cư trú thường xuyên của họ.

2.2.          Phạm vi áp dụng hợp đồng
 Công ước Viên 1980 sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế giữa các bên trong các trường hợp sau:
-                      Thứ nhất: các bên thỏa thuận chọn CISG điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán giữa họ, sự thỏa thuận này thỏa mãn điều kiện chọn luật, được cơ quan tài phán của các quốc gia cho phép, thì toàn bộ các điều khoản và nội dung của Công ước Viên 1980 sẽ được áp dụng để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. 
-                      Thứ hai: nếu các bên tham gia hợp đồng không thỏa thuận rõ ràng hoặc thỏa thuận ngầm về việc coi luật áp dụng cho hợp đồng là CISG, thì lúc này CISG cũng sẽ được áp dụng.
Khi quốc gia mà một trong các bên có trụ sở không phải là thành viên CISG thì  CISG được áp dụng trong trường hợp quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật của quốc gia là thành viên. Nếu cả hai quốc gia nơi có trụ sở của người mua và người bán đều không phải là thành viên CISG, lúc này áp dụng CISG khi các bên có thỏa thuận chọn luật của nước thứ ba là thành viên CISG (thỏa mãn điều kiện chọn luật). Tuy nhiên, khi chọn luật áp dụng là luật nước thành viên CISG, các thương nhân thường chú ý quốc gia đó có bảo lưu Điều 1.1b hay không, điều này để nhằm tránh mất an toàn pháp lý do đã dự liệu CISG được áp dụng, đặc biệt là đối với các nước như: Hoa Kỳ, Singapore, CH Séc, Trung Quốc….
Ngay tại Điều 1 CISG xác định đối tượng điều chỉnh của Công ước này là “hợp đồng mua bán hàng hóa”, tuy nhiên trong toàn bộ các quy phạm của CISG lại không hề có định nghĩa khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa. Mặc dù không có định nghĩa khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa, nhưng với các quy định tại Điều 2 và 3 CISG chúng ta lại dễ dàng xác định những hợp đồng nào thuộc đối tượng điều chỉnh của Công ước này ngay. Cụ thể là CISG quy định những trường hợp CISG không được áp dụng, từ đó định ra những trường hợp mua bán được áp dụng Công ước viên 1980, các trường hợp mua bán không rơi vào :
-  Các hàng hóa dùng cho cá nhân, gia đình hoặc nội trợ, ngoại trừ khi người bán, vào bất cứ lúc nào trong thời gian trước hoặc vào thời điểm ký kết hợp đồng, không biết hoặc không cần phải biết rằng hàng hóa đã được mua để sử dụng như thế.
- Bán đấu giá.
- Ðể thi hành luật hoặc văn kiện uỷ thác khác theo luật.
- Các cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán đầu tư, các chứng từ lưu thông hoặc tiền tệ.
- Tàu thủy, máy bay và các chạy trên đệm không khí.
- Ðiện năng.
Và được xem là hợp đồng mua bán các hợp đồng cung cấp hàng hóa sẽ chế tạo hay sản xuất, nếu bên đặt hàng không có nghĩa vụ cung cấp phần lớn các nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hay sản xuất hàng hóa đó. Công ước này không áp dụng cho các hợp đồng trong đó nghĩa vụ của bên giao hàng chủ yếu là phải thực hiện một công việc hoặc cung cấp một dịch vụ khác.

2.3.             Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Dựa trên những cách thức mà các bên giao kết hợp đồng với nhau, chúng ta có thể chia ra thành hai hình thức giao kết hợp đồng: giao kết trực tiếp và giao kết gián tiếp.
Trong đó giao kết trực tiếp là việc các bên đối tác trực tiếp gặp nhau để cùng nhau thảo luận, thương lượng về các quyền và nghĩa vụ của nhau mà không phải thông qua các phương tiện trung gian nào khác. Hình thức giao kết này trải qua các giai đoạn sau: chào hàng - đàm phán – soạn thảo – ký kết trực tiếp vào hợp đồng. Việc các bên trực tiếp gặp nhau để đi đến thống nhất hợp đồng giúp đẩy nhanh tốc độ đàm phán, cho phép giải quyết những bất đồng, phức tạp giữa các bên gặp gỡ, tạo được sự thông hiểu lẫn nhau và duy trì được mối quan hệ làm ăn lâu dài và điều đặc biệt là kết quả đàm phán có được sự xác nhận pháp lý ngay của các bên khiến cho hợp đồng mau chóng được thực hiện.
Ngược lại, hình thức giao kết gián tiếp thì các bên không trực tiếp gặp mặt nhau, quá trình đàm phán được thực hiện thông qua các phương tiện trung gian như thư, email, điện thoại…. Các bước của quá trình này như sau: đề nghị giao kết hợp đồng (chào hàng) – chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (chấp nhận chào hàng). Hình thức này đem lại một số ưu điểm như: í tốn kém, người viết thư có thời gian và điều kiện để cân nhắc, tham khảo ý kiến của nhiều người khác trước khi gửi đi, cùng một thời gian, người viết có thể giao dịch đàm phán bằng thư với nhiều bạn hàng khác nhau. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng hạn chế nhất định, đó là thời gian đàm phán kéo dài, có thể trải qua nhiều lần viết thư mới đạt được kết quả cuối cùng, nếu trao đổi qua điện thoại có thể có tốn kém, trình bày không được hết ý, trao đổi miệng, không có gì làm bằng chứng cho quá trình thỏa thuận và các quyết định đưa ra. Hệ lụy là các bên có thể không hiểu chính xác ý của nhau, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không đúng như điều mà các bên thực sự mong muốn hướng đến.
Theo tinh thần tại Điều 14 CISG thì chào hàng là một đề nghị giao kết hợp đồng gửi cho một hoặc một nhóm người xác định thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên kia, có thể có quy định hoặc không quy định thời hạn trả lời. Thời điểm có hiệu lực của chào hàng được xác định khi được thông tin bằng lời nói với người này, hoặc được giao bằng bất cứ phương tiện nào cho chính người được chào hàng tại trụ sở thương mại hay địa chỉ bưu chính thì gửi tới nơi thường trú của họ (Điều 24 CISG).
Quy định về cách thức thể hiện chấp nhận chào hàng (Điều 18 CISG). Một lời tuyên bố hay một hành vi khác của người được chào hàng biểu lộ sự đồng ý với chào hàng cấu thành chấp nhận chào hàng. Chấp nhận chào hàng có hiệu lực từ khi người chào hàng nhận được chấp nhận. Chấp thuận chào hàng không phát sinh hiệu lực nếu sự chấp nhận ấy không được gửi tới người chào hàng trong thời hạn mà người này đã quy định trong chào hàng, hoặc nếu thời hạn đó không được quy định như vậy, thì trong một thời hạn hợp lý, xét theo các tình tiết của sự giao dịch, trong đó có xét đến tốc độ của các phương tiện liên lạc do người chào hàng sử dụng. Một chào hàng bằng miệng phải được chấp nhận ngay trừ phi các tình tiết bắt buộc ngược lại. Tuy nhiên nếu do hiệu lực của chào hàng hoặc do thực tiễn đã có giữa hai bên trong mối quan hệ tương hỗ hoặc tập quán thì người được chào hàng có thể chứng tỏ sự chấp thuận của mình bằng cách làm một hành vi nào đó như hành vi liên quan đến việc gửi hàng hay trả tiền chẳng hạn dù họ không thông báo cho người chào hàng thì chấp nhận chào hàng chỉ có hiệu lực từ khi những hành vi đó được thực hiện với điều kiện là những hành vi đó phải được thực hiện trong thời hạn đã quy định tại điểm trên.
Về vấn đề xác lập hợp đồng mua bán,  CISG thừa nhận quy tắc Chào hàn – Chấp nhận chào hàng (offer-acceptance rule).  Công ước quy định một thư chào giá phải được gửi đến một hay một số người cụ thể, xác định và miêu tả đầy đủ về hàng hóa, số lượng, giá cả. Thư chào hàng có thể được thu hồi nếu thư thu hồi đến khách hàng trước hoặc cùng lúc với thư chào hàng, hoặc trước khi khách hàng gửi lại thư chấp thuận. Bất kỳ sự thay đổi nào với thư chào hàng ban đầu đều được xem như sự từ chối thư chào hàng trừ phi các điều khoản sửa chữa không làm thay đổi những điều khoản thiết yếu của thư chào hàng.

2.4.             Nghĩa vụ của bên bán và bên mua
-                      Nghĩa vụ của bên bán.
Bên bán phải giao hàng phù hợp và không phụ thuộc vào bên thứ ba.  Người bán phải giao hàng đúng vào ngày giao hàng mà hợp đồng đã quy định, hay có thể xác định được bằng cách tham chiếu vào hợp đồng. Vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian được hợp đồng ấn định hay có thể xác định được khoảng thời gian giao hàng bằng cách tham chiếu vào hợp đồng, nếu như không thể căn cứ vào các tình tiết để biết ngày giao hàng mà người mua ấn định là ngày nào. Trong trường hợp khác, trong một thời gian hợp lý sau khi hợp đồng được ký kết.
Người bán giao hàng đúng số lượng, phẩm chất và mô tả như quy định trong hợp đồng, và đúng bao bì hay đóng gói như hợp đồng yêu cầu. Ngoại trừ những trường hợp đã được các bên thỏa thuận khác, hàng hóa bị coi là không phù hợp với hợp đồng nếu rơi vào các điểm từ a đến d khoản 2 Điều 35 CISG.
Thêm vào đó, bên bán phải giao những hàng hóa không bị phụ thuộc vào bất cứ quyền hạn hay khiếu nại nào của bên thứ ba, trừ trường hợp người mua đồng ý nhận loại hàng bị phụ thuộc vào quyền hạn và khiếu nại như vậy.
Người bán phải có nghĩa vụ phải giao các chứng từ liên quan đến hàng hoá, họ phải thi hành nghĩa vụ này đúng thời hạn, đúng địa điểm và đúng hình thức như quy định trong hợp đồng. Trong trường hợp người bán giao chứng từ trước kỳ hạn, thì họ có thể, trước khi hết thời hạn quy định sẽ giao chứng từ, loại bỏ bất kỳ điểm nào không phù hợp với chứng từ với điều kiện là việc làm này không gây cho người mua một trở ngại hay phí tổn vô lý nào. Tuy nhiên, người mua vẫn có quyền đòi người bán bồi thường thiệt hại chiếu theo Công ước này.
-                      Nghĩa vụ bên mua.
Nhận hàng và thanh toán tiền là nghĩa vụ cơ bản của bên mua. Trong trường hợp, nếu hợp đồng đã được ký kết một cách hợp pháp, nhưng trong hợp đồng không quy định giá cả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc không quy định cách xác định giá thì được phép suy đoán rằng, các bên, trừ phi có thỏa thuận khác, đã có ngụ ý dựa vào giá đã được ấn định cho loại hàng hóa như vậy khi hàng hóa này được đem bán trong những điều kiện tương tự của ngành buôn bán hữu quan. Nếu người mua không có nghĩa vụ phải thanh toán tiền hàng tại một địa điểm quy định nào đó thì họ phải trả tiền cho người bán: tại nơi có trụ sở thương mại của người bán hoặc tại nơi giao hàng hoặc chứng từ nếu việc trả tiền phải được làm cùng lúc với việc giao hàng hoặc chứng từ. Người bán phải gánh chịu mọi sự gia tăng phí tổn để thực hiện việc thanh toán do sự thay đổi địa điểm của trụ sở thương mại của mình sau khi hợp đồng được ký kết. 
Nếu người mua không có nghĩa vụ phải trả tiền vào một thời hạn cụ thể nào nhất định, thì họ phải trả khi, chiếu theo hợp đồng và Công ước này, người bán đặt dưới quyền định đoạt của người mua, hoặc hàng hóa hoặc các chứng từ nhận hàng. Người bán có thể đặt điều kiện phải thanh toán như vậy để đổi lại việc họ giao hàng hoặc chứng từ. Người mua phải trả tiền vào ngày thanh toán đã quy định hoặc có thể được xác định theo hợp đồng và Công ước này, mà không cần có một lời yêu cầu hay việc thực hiện một thủ tục nào khác về phía người bán.

2.5.             Các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Công ước Viên 1980 không có một chương riêng về vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm hợp đồng. Các nội dung này được lồng ghép trong chương II, chương III và chương V. Trong chương II và chương III, sau khi nêu các nghĩa vụ của người bán và người mua, Công ước Viên 1980 đề cập đến các biện pháp áp dụng trong trường hợp người bán/người mua vi phạm hợp đồng. Cách sắp xếp điều khoản như vậy, một mặt, làm cho việc tra cứu rất thuận lợi; mặt khác, cho thấy được tinh thần của các nhà soạn thảo CISG là tạo ra sự bình đẳng về mặt pháp lý cho người bán và người mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa. 
Các biện pháp  mà Công ước cho phép người bán và người mua áp dụng khi một bên vi phạm hợp đồng bao gồm buộc thực hiện đúng hợp đồng, đòi bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng. Ngoài ra còn có một số biện pháp không có tính chất chế tài hoặc nhằm mục đích trừng phạt bên vi phạm, ví dụ biện pháp giảm giá (Điều 50), biện pháp bên bị vi phạm gia hạn thời hạn thực hiện nghĩa vụ để tạo điều kiện cho bên vi phạm tiếp tục thực hiện hợp đồng (Điều 47 khoản 1 và Điều 63 khoản 1) hay những biện pháp mà bên vi phạm có thể đưa ra nhằm khắc phục những thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra (Điều 48 khoản 1). Công ước cũng quy định rõ trường hợp áp dụng các biện pháp cụ thể (ví dụ biện pháp hủy hợp đồng hay đòi thay thế hàng chỉ được áp dụng trong trường hợp vi phạm cơ bản- khái niệm vi phạm cơ bản được nêu tại Điều 25). 
Chương V của Phần 3 quy định về vấn đề tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, vi phạm trước hợp đồng, việc áp dụng các biện pháp pháp lý trong trường hợp giao hàng từng phần, hủy hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Các Điều 74, 75, 76, 77, 78 của CISG là những điều khoản được dẫn chiếu đến rất nhiều trong các án lệ áp dụng CISG, vì các điều khoản này quy định rất chi tiết về một biện pháp được áp dụng phổ biến nhất trong giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: đó là tính toán tiền bồi thường thiệt hại. Các điều khoản khác trong chương này đề cập đến vấn đề miễn trách, hậu quả của việc hủy hợp đồng và bảo quản hàng hóa trong trường hợp có tranh chấp.

3.                  Thực tiễn việc tham gia CISG một số nước trên thế giới[5].
-          Trung Quốc
Từ hai thập kỷ nay (từ năm 1988 khi Công ước bắt đầu có hiệu lực), Công ước Viên đã và đang được áp dụng rất rộng rãi tại Trung Quốc . Nhiều phán quyết của trọng tài Trung Quốc, chủ yếu là của CIETAC (China International Economic and Trade Arbitration Commission) có liên quan đến Công ước Viên 1980 đã được tập hợp. Con số này là khoảng 300 phán quyết . Trong các phán quyết này, có thể thấy rõ vai trò của Công ước trong việc điều chỉnh các vấn đề mà pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa của Trung Quốc còn bất cập hoặc chưa điều chỉnh, nhờ đó những tranh chấp trong lĩnh vực ngoại thương được giải quyết nhanh chóng và hợp lý. Công ước Viên 1980 đã phát huy vai trò rất tích cực để thúc đẩy hoạt động ngoại thương của Trung Quốc. Vai trò này được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, thời kỳ phát triển mạnh mẽ hoạt động ngoại thương của Trung Quốc . Một mặt, các nhà kinh doanh Trung Quốc có một nguồn luật đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới để áp dụng vào hợp đồng ký với đối tác nước ngoài. Mặt khác, các đối tác nước ngoài cũng tin tưởng và yên tâm hơn khi làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc vì Công ước này đã được chấp nhận ở Trung Quốc. Số lượng các hợp đồng trong đó các bên lựa chọn Công ước Viên 1980 là luật áp dụng ngày càng gia tăng .
-          Châu Âu
Các nước Tây Âu là nơi khởi nguồn ý tưởng thành lập một công ước quốc tế nhằm thống nhất quy định về hợp đồng mua bán quốc tế. Pháp, Đức, Ý đều là thành viên của các Công ước La Hay 1964, tiền thân của CISG. Cũng chính các nước này đã tham gia đóng góp rất nhiều vào việc soạn thảo và xây dựng Công ước Viên. Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi đây cũng là các nước tham gia Công ước sớm nhất (Pháp tham gia CISG năm 1982, Ý năm 1985, Đức tham gia năm 1989) và Công ước Viên cũng có ảnh hưởng rất lớn ở các nước này. 
Đức là nơi mà CISG có dấu ấn rõ nét nhất, với khối lượng khổng lồ các án lệ áp dụng CISG (các án lệ này chiếm tới gần 1/3 toàn bộ các án lệ được báo cáo tại CLOUT , UNILEX và PACE). Pháp là quốc gia thứ hai (sau Đức) có số lượng án lệ lớn về CISG . Một số quy định của CISG đã làm thay đổi quan niệm cứng nhắc của các luật gia, các thẩm phán của Pháp, ví dụ về việc chấp nhận các hợp đồng có giá mở , hay là giảm bớt các nghĩa vụ quá nặng nề của người bán . Tại Ý, trong thời gian gần đây giới hành nghề luật tại Ý ngày càng nhận thức tốt hơn về Công ước, thể hiện ở việc ngày càng nhiều hợp đồng mẫu về mua bán hàng hóa sử dụng CISG như một công cụ soạn thảo. Đây là một ví dụ điển hình cho việc áp dụng CISG ở các nước không nói ngôn ngữ chính thức của CISG.
-          Hoa Kỳ
Là một trong những nước đầu tiên tham gia Công ước Viên từ năm 11/12/1986 nhưng quá trình thực thi Công ước tại Hoa Kỳ lại cho một bức tranh hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc và Đức, Pháp. Trong 10 năm trở lại đây, trước áp lực rất lớn của cộng đồng quốc tế, tình hình áp dụng Công ước Viên tại Hoa Kỳ đã được cải thiện ít nhiều. Chỉ trong 10 năm từ 2001-2010, số lượng án lệ CISG của Hoa Kỳ được báo cáo tại UNILEX đã tăng gấp hơn 3 lần so với 12 năm trước đó (từ 1998-2000), nhiều học giả và nhà hành nghề luật tại Hoa Kỳ đã nêu lên nhu cầu phải thống nhất hóa luật quốc tế về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo khuôn khổ CISG do khối lượng giao dịch thương mại ngày càng tăng giữa các quốc gia thành viên của Công ước. 

4.      Kết luận.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, quá trình giao lưu, hợp tác kinh tế giữa các quốc gia không còn gì quá lạ lẫm, sự hợp tác đó đang tiến triển, phát triển rực rỡ, góp phần giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn không chỉ về mặt kinh tế mà còn là chính trị, văn hóa, giáo dục…
Trong quan hệ mua bán hàng hóa, mỗi bên khó có thể áp đặt pháp luật nước mình để điều chỉnh khi giao kết hợp đồng, thông thường các bên phải thỏa thuận chọn ra các quy tắc mà mỗi bên đối tác xem là tốt nhất cho mình để thực hiện những quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.
Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là văn bản luật điều chỉnh hoạt động thương mại quốc tế khá phổ biến, được hầu hết các quốc gia có nền kinh tế vững chắc và hùng mạnh tham gia. Khi mà CISG ngày càng được sử dụng rộng rãi thì việc gia nhập CISG sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia nói chung cũng như các thương nhân của các quốc quốc gia này nói riêng, bên cạnh đó là quá trình Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam không thể đứng ngoài luật chơi chung của thế giới. Thiết nghĩ, Việt Nam nên sớm nhất có thể để trở thành viên của CISG, việc làm này không chỉ giúp cho quá trình giao lưu thương mại quốc tế của các thương nhân Việt Nam được đẩy lên một tầm cao mới, mà còn là công cụ hữu hiệu để có thể bảo vệ được các doanh nghiệp Việt Nam trong các tranh chấp kinh doanh mua bán hàng hóa quốc tế với các đối tác nước ngoài vốn đã rất giàu kinh nghiệm và “mưu mẹo”.





[1] Sơ lược lịch sử Công ước Viên 1980 (CISG), Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế, xem chi tiết tại: http://trungtamwto.vn/forum/topic/so-luoc-lich-su-cong-uoc-vien-1980-cisg.

[2] Sơ lược lịch sử Công ước Viên 1980 (CISG), Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế, xem chi tiết tại: http://trungtamwto.vn/forum/topic/so-luoc-lich-su-cong-uoc-vien-1980-cisg.
[3] CISG: Table of Contracting States, xem chi tiết tại: http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/countries/cntries.html.
[4] Thành công của công ước Viên 1980, Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế, xem chi tiết tại: http://trungtamwto.vn/forum/topic/thanh-cong-cua-cong-uoc-vien-1980
[5] Tác động của Công ước viên đến các nước đã gia nhập, Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế, xem chi tiết tại: http://trungtamwto.vn/forum/topic/tac-dong-cua-cong-uoc-vien-toi-cac-nuoc-da-gia-nhap

2 nhận xét:

  1. Căn hộ Hoàng Kim Thế Gia mở bán đợt cuối. Penthouse diện tích tích từ 135m2 - 160m2. Giá chi 14 triệu thanh toán 2 năm không lãi. Bạn có nhu cầu vui lòng tham khảo thêm thông tin tại. Bán căn hộ Penthouse Hoàng Kim Thế Gia | Ban can ho Penthouse Hoang Kim The Gia

    Trả lờiXóa
  2. Bạn muốn giao hàng nhanh trong ngày. Bạn muốn biết bảng giá giao hàng toàn quốc?
    Để có thể vận chuyển hàng về Nha Trang, vận chuyển hàng hóa về Đà Nẵng bằng dịch vụ vận chuyển hàng bằng xe tải.
    Hãy liên hệ Proship.vn nhé. Chúng tôi các dịch vụ cũng như yêu cầu mà bạn đặt ra.

    Trả lờiXóa