Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

BẤT CẬP TRONG CHẾ ĐỊNH DI CHÚC CHUNG CỦA VỢ CHỒNG


I.Khái quát về thừa kế theo pháp luật Việt Nam.
1.1. Quyền thừa kế.
Thừa kế theo cách hiểu phổ thông là việc chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, giữa người còn sống và người để lại tài sản đấy tồn tại mối quan hệ nhất định, có thể là quan hệ huyết thống, hay tình cảm thân thuộc. Đặc điểm nổi bậc trong quan hệ thừa kế là phát sinh kể từ thời điểm người để lại tài sản chết.
Dưới góc độ pháp lý, việc thừa kế không chỉ là một hiện tượng xã hội thuần túy mà còn là căn cứ làm phát sinh một quan hệ pháp luật, quan hệ sỡ hữu. Việc thừa kế là sự dịch chuyển tài sản giữa người với người sau khi chết cho những người còn sống[1]. Trong  đó các chủ thể của quan hệ thừa kế bao gồm người để lại di sản và người được hưởng di sản thừa kế. Người có tài sản để lại khi chết gọi là người để lại di sản, chủ thể này chỉ có thể là cá nhân mà không thể là cơ quan, tổ chức, họ có quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc. Người được hưởng tài sản của người chết để lại gọi là người thừa kế, khác với người để lại di sản, chủ thể này có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức và thậm chí là các đối tượng có yếu tố nước ngoài.
Trong pháp luật dân sự Việt Nam, quyền để lại di sản của người có tài sản cho người thừa kế, và quyền thừa kế di sản của người khác là hai nội dung cơ bản của quyền thừa kế được pháp luật công nhận và bảo vệ.
            1.2. Di chúc chung của vợ chồng.
Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất; vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người, có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung đó[2].
Và từ đó, vợ chồng có quyền cùng nhau lập di chúc chung trên cơ sở tự nguyện, thống nhất ý chí của vợ chồng nhằm để định đoạt định đoạt tài sản chung của vợ chồng.[3] Họ có quyền định đoạt tài sản của mình bằng nhiều phương thức, trong đó có quyền định đoạt tài sản của vợ chồng bằng cách lập di chúc.
So với trường hợp cá nhân lập di chúc để định đoạt tài sản của mình có hiệu lực kể từ thời điểm cá nhân đó chết, đối với di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết. Vì vậy người vợ hoặc người chồng còn sống vẫn quản lý, sử dụng tài sản chung.
Khi di chúc đã được lập, mà cả hai vợ chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ thì đều có thể thực hiện được điều này bất cứ lúc nào, tuy nhiên phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người còn lại chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Quy định như vậy nhằm tôn trọng ý kiến của người đã khuất đối với các quyết định định đoạt tài sản của họ; ngoài ra còn tránh được sự “làm càn” của người còn sồng tự ý quyết định phần tài sản của người đã mất.

II.Những bất cập trong quy định di chúc chung của vợ chồng.
2.1.Không phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt của cá nhân.
Suy từ Điều 631 và 646 BLDS có thể hiểu rằng quyền thừa kế là quyền của cá nhân, thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, mà không thể là quyền của cơ quan, tổ chức; nói cách khác, nó không thể là quyền của một tập thể người được. Vì thế với quy định cho phép vợ chồng có thể lập di chúc để định đoạt tài sản chung là mâu thuẫn với nguyên tắc quyền tự định đoạt của cá nhân.
Trước khi đi đến một di chúc thể hiện sự định đoạt đối với tài sản chung, cả vợ và chồng phải nhất quyết có sự thỏa thuận, cùng nhau bàn bạc, dựa trên sự tự nguyện của từng người, không bên nào được áp đặt, lấn áp ý chí của người kia, nếu vi phạm quy định này thì chắc chắn di chúc đó sẽ không được xem là hợp pháp[4]. Tuy nhiên, cho dù là cả hai đều bình đẳng với nhau, và thực sự tự nguyện thì sự khách quan, trung thực của mỗi bên cũng khó được đảm bảo, đặc biệt là trường hợp người vợ vì nể chồng mình mà một mực nghe theo ý kiến của chồng, ý chí của họ đã bị hạn chế.  Bên cạnh đó, ý chí, quyết định của một trong hai người lại không phải là căn cứ quyết định đối với di chúc chung của vợ chồng, cho dù là sự mong muốn đó hoàn toàn dựa trên lợi ích của người còn lại hay là tự nguyện. Trong khi bản chất của thừa kế được Luật dân sự ghi nhận như là ý chí của cá nhân, thế mà đối với di chúc chung của vợ chồng lại phải được sự nhất trí của người còn lại, dù rằng đó là ý chí để quyết định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung.
Ngoài ra, muốn lập di chúc chung, vợ - chồng phải có sự bàn bạc và thống nhất ý chí chung trước khi cùng nhau lập di chúc. Trong tình trạng bị cái chết đe dọa thì điều này là hạn hữu. Khi không có sự thống nhất quan điểm rõ ràng, thì việc lập di chúc chung sẽ không thể phản ánh đầy đủ và trung thực ý chí cá nhân của mỗi người. Tình trạng này dễ dẫn đến việc một bên quyết định nội dung di chúc chung theo ý chí chủ quan của mình mà không có sự thống nhất ý chí với người kia[5].
Có quan điểm cho rằng: việc lập di chúc chung không đồng nghĩa với sự hạn chế quyền tự định đoạt của vợ chồng trong khối di sản chung. Bởi lẽ, vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào với điều kiện phải được sự đồng ý của người kia. Khi một bên chết thì một bên vợ hoặc chồng còn sống chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình mà thôi[6]. Như đã trình bày ở trên, việc thừa kế là thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển tài sản mình cho người khác sau khi chết, nếu theo quan điểm trên thì có lẽ chưa thật sự hợp lý. Gỉa sử rằng, sau di chúc chung của vợ chồng đã được lập thì người vợ muốn thay đổi di chúc đó, điều dễ dàng nhận thấy là bản thân cá nhân người vợ không được tự ý thay đổi nội dung đã được thiết lập, muốn thay đổi phải có sự đồng ý của người chồng, nếu người chồng không muốn thay đổi thì người vợ cũng đành chịu vì Luật chưa có chế định nào để bảo vệ ý chí của chủ sở hữu đối với tài sản của mình trong trường hợp này.

2.2.Sự không phù hợp trong chế định hiệu lực di chúc chung của vợ chồng.
Điều 668 BLDS thì di chúc do vợ chồng lập chung chỉ có hiệu lực thi hành từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết. Trường hợp vợ chồng cùng chết tại một thời điểm khá hiếm xuất hiện trên thực tế, và khi nó xuất hiện thì quá trình chia di sản thừa kế quả là dễ dàng, ít phức tạp, rối rắm, tuy nhiên sự thuận lợi ấy lại rất ít khi có trên thực tiễn cuộc sống. Đa phần là vợ hoặc chồng chết trước rồi sau đó mới đến người còn lại. Để thấy rõ bản chất vấn đề, ở đây tác giả chỉ trình bày quan điểm khi vợ chồng không chết cùng thời điểm.
Khi mà một trong hai người chết trước, việc chia di sản đối với phần tài sản của họ trong khối tài sản chung của cả vợ chồng đã được định đoạt bằng di chúc chung của vợ chồng đã phát sinh hay chưa? Theo quy định tại khoản 1 Điều 633 BLDS thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, vì vậy câu trả lời là có rồi, và theo Điều 645 BLDS thì thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu hết 10 năm đó mà người kia vẫn còn sống, thì thời hiệu khởi kiện xin chia thừa kế đối với phần di sản của người chết trước cũng không còn. Nếu vì lý do nào đó, chẳng hạn nội dung di chúc chung vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lừa dối, giả mạo... mà người thừa kế không biết để khởi kiện kịp thời (do di chúc chung chưa được công bố), đến khi người sau cùng chết mà thời hiệu khởi kiện không còn, thì quyền lợi của người thừa kế của người chết trước cũng như những người thừa kế hợp pháp của cả vợ, chồng có được bảo vệ không, cũng chưa được pháp luật qui định rõ. Vấn đề đã đuợc chúng tôi đề cập trong một bài viết khác về thời hiệu khởi kiện thừa kế [7].
Bên cạnh đó, khi người có quyền thừa kế có yêu cầu chia di sản thừa kế, nếu trong nội bộ gia đình không thể thỏa thuận với nhau được thì Tòa án sẽ là nơi quyết định. Điều này là phù hợp với diễn biến tâm lý của con người, bởi lẽ không phải ai cũng có thể chờ đợi lâu được, vật chất quyết định ý thức, đặc biệt đối với di sản có giá trị lớn. Hơn nữa, khi người vợ hoặc người chồng của người đã chết còn trẻ, thì người thừa kế phải đợi bao lâu, câu trả lời là rất khó xác định, mà đa phần khá lâu, vậy buộc họ phải đợi à? Và vì có yêu cầu, nên Tòa án sẽ phải chia thừa kế, vậy Tòa án sẽ chia di sản thừa kế của người đã mất theo chế định thừa kế theo pháp luật hay theo di chúc, như đã đề cập ở trên, khi chỉ có một trong hai người chết thì di chúc chung của vợ chồng chưa có hiệu lực cho nên Tòa án chỉ có thể áp dụng chế định thừa kế theo pháp luật để phân chia di sản đối với phần tài sản của người đã chết trong khối tài sản chung với người còn sống. Và khi đó, người vợ hoặc chồng còn sống sẽ rơi vào hàng thừa kế thứ nhất cùng với những người khác (nếu có), sẽ được hưởng phần tài sản của người chết với một mức ngang bằng, điều này vô tình đã vô hiệu hóa ý chí của người đã chết đối với phần tài sản của họ trong khối tài sản chung, chế định di chúc chung của vợ chồng khi này trở nên vô nghĩa. Đến khi người vợ hoặc chồng còn lại cũng chết đi thì di chúc đó cũng không còn ý nghĩa, vì di sản chung không còn nữa, có chăng lúc này là định đoạt di sản theo pháp luật hoặc một di chúc khác của cá nhân người chết sau.
Quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng là quy định không phù hợp với thực tế đồng thời còn là quy định vi phạm nguyên tắc chung của pháp luật thừa kế. Với quy định này, các nhà làm luật nhằm ngăn chặn sự mất ổn định trong quan hệ gia đình nhưng đó là ý chí chủ quan không phù hợp với xã hội hiện nay[8].

 2.3.Hình thức di chúc chung của vợ chồng chưa được quy định cụ thể.
Di chúc có thể được lập bằng văn bản và nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Điều 651 BLDS quy định khá cụ thể về di chúc miệng, tuy nhiên nó rõ ràng nếu đó là đối với cá nhân, còn đối với vợ chồng thì sao? Liệu vợ chồng có thể cùng nhau lập di chúc miệng?
Vì pháp luật dân sự không cấm vợ chồng lập di chúc miệng, cho nên vợ chồng có thê lập di chúc miệng để định đoạt phần tài sản chung của mình. Điều 651 BLDS quy định khi mà tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật  hoặc các nguyên nhân khác thì mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Vậy, nếu người chồng bị nguy kịch vì bệnh tật trong khi người vợ khỏe mạnh, tại thời điểm đó mà cả hai vợ chồng đều mong muốn lập di chúc chung, thì hình thức di chúc phải làm sao? Nếu lập di chúc bằng văn bản thì cũng không phù hợp vì người chồng bệnh nặng thì làm sao ký tên vào được; người làm chứng thì phải làm chứng thế nào? Tự viết tay, thì pháp luật dân sự lại quy định người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào di chúc, vậy ai viết di chúc, người chồng thì không được vì bệnh nặng, người vợ viết di chúc chung của vợ chồng được chăng? Viết rồi, ai ký, nội dung là do vợ viết, chữ ký của người vợ thì người vợ ký, của người chồng thì người chống ký, như vậy có được xem là hợp pháp? Vậy còn di chúc miệng, phần ý chí của người chồng được thể hiện bằng miệng, còn phần ý chí của người vợ đang khỏe mạnh thì phải làm sao? Chế định người làm chứng đối với di chúc miệng trong trường hợp này xem ra bất hợp lý khi quy định phải có ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ (khoản 5 Điều 652 BLDS), vì đây là di chúc chung của vợ chồng nên người làm chứng không thể chỉ ghi nhận ý kiến của bản thân người chồng được, phải là ý kiến thống nhất của cả hai, trong khi luật chỉ buộc người làm chứng phải ghi nhận ý chí cuối cùng của người sắp chết. Ngoài ra, nếu sau khi lập di chúc miệng rồi mà người chồng chết thật, thì sự ghi nhận ý chí của người đã chết đó có hiệu lực hay không?….Bao nhiêu vấn đề đó chưa được Luật dân sự làm rõ.

2.4.Hoa lợi, lợi tức phát sinh khi di sản chung chưa chia phát sinh.
Khi di chúc chung của vợ chồng đã được lập, mà có một trong hai người chết, thì thường là người còn lại sẽ quản lý, sử dụng phần tài sản chung đấy. Vấn đề đặt ra là nếu có hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung đã được định đoạt bởi di chúc thì phải quyết định ra sao khi mà chỉ còn một trong hai người còn sống. Bởi ta hiểu rằng phần hoa lợi, lợi tức phát sinh đấy có thể là nhờ công sức của người còn lại gây dựng nên, mà cũng có khi nó tự phát sinh. Đối với trường hợp do người còn lại đóng góp sức lao động tạo ra thì có thể thuộc về phần tài sản riêng của họ, nhưng khi mà hoa lợi, lợi tức tự phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng thì rõ ràng là người còn sống không thể tự mình quyết định toàn bộ được, bởi nó có phần tài sản của người đã chết, và pháp luật dân sự cũng chỉ cho phép người còn sống định đoạt phần tài sản của mình. Phần tài sản phát sinh thêm đấy có được xem là di sản đã được định đoạt trong di chúc chung của vợ chồng trước đó hay không? Nếu trả lời là có và cứ chia bình thường như di chúc chung của vợ chồng thì sẽ dẫn đến một bất hợp lý nữa, đó là xâm phạm ý chí cá nhân của người đã mất, vì rất có thể họ muốn định đoạt khác đối với phần tài sản đó; nếu trả lời là không thì phải chia thế nào, phải chăng xem phần tài sản phát sinh thêm là tài sản của riêng vợ hoặc chồng? Những vấn đề này cũng chưa được Luật dân sự làm rõ.

III.Kết luận
Chế định thừa kế rất quan trọng, cần thiết đối với cuộc sống của con người chúng ta, sự tồn tại của nhiều bất cập là tiềm năng dẫn đến những vướng mắc, rắc rối không chỉ của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết thừa kế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người thừa kế và người để lại di sản thừa kế. Sửa đổi chế định thừa kế hơn bao giờ hết cần được xem trọng, đặc biệt quan tâm. Tuy đã được sửa đổi, bổ sung thay thế nhiều lần, nhưng chế định thừa kế vẫn còn đó bao dấu chấm hỏi, thiết nghĩ, các nhà làm luật nên hướng vào thực tiễn nhiều hơn  để tránh được những bất cập không đáng có như hiện nay.




[1] Tập bài giảng Tài sản và thừa kế - Trường ĐH Luật TPHCM trang 180.
[2] Xem thêm các Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 219 Bộ luật dân sự.
[3] Tập bài giảng Tài sản và thừa kế - Trường ĐH Luật TPHCM trang 270.
[4] Xem thêm Điều 652 Bộ Luật Dân sự 2005.
[5] Một số bất cập trong việc thừa nhận quyền lập di chúc chung của vợ chồng, TS. Lê Minh Hùng, Tạp chí KHPL số 4(35)/2006
[6] Nguyễn Xuân Quang, Lê Nết, Nguyễn Hồ Bích Hằng, Luật Dân sự Việt Nam, NXB ĐHQGTPHCM 2007 trang 256.
[7] Một số bất cập trong việc thừa nhận quyền lập di chúc chung của vợ chồng, TS. Lê Minh Hùng, Tạp chí KHPL số 4(35)/2006
[8] Luật thừa kế Việt Nam, TS.Phùng Trung Tập, NXB Hà Nội năm 2008, trang 221.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét