Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Tội cướp giật tài sản và những điểm chưa phù hợp

Bài đăng của tác giả LÊ NHẬT BẢO trên Tạp chí Sinh viên và Khoa học Pháp lý - Trường Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh số 3 năm 2013

Nguồn: http://hinhsu34a.4forum.biz/t1810-topic#4200
1.      Khái quát về tội Cướp giật tài sản.
Tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 136 BLHS.
1.Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
Đây là một tội danh có tính chất chiếm đoạt tài sản, theo đó thì chiếm đoạt tài sản (CĐTS) là hành vi cố ý chuyển biến trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của người khác thành tài sản của mình. Người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nhắm vào tài sản của người khác – không thuộc sở hữu của mình, và tìm cách thức để có  được tài sản đó mà không phải thông qua các phương thức hợp pháp. Bởi vậy, tội cướp giật tài sản đòi hỏi phải có ý định chiếm đoạt tài sản hình thành trong ý thức của người phạm tội trước, ý thức đó tác động, điều khiển đến hành vi chiếm đoạt tài sản, được thực hiện với lỗi cố ý. Nếu việc dịch chuyển tài sản đang trong sự quản lý của người khác thành tài sản của mình mà không nhằm mục đích chiếm đoạt, thì chưa đủ cơ sở để định tội cướp giật tài sản, hay nói cách khác dấu hiệu mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu định tội của tội cướp giật tài. Nêú chỉ dừng lại ở mục đích cũng chưa thể cấu thành tội này, mục đích đó phải được thực hiện thông qua hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trong nội dung Điều 136 BLHS, các nhà lập pháp chỉ quy định như sau: “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì…”. Như vậy các nhà lập pháp không có quy định mô tả những dấu hiệu cụ thể của tội cướp giật tài sản mà chỉ nêu tội danh. Tuy chưa có một định nghĩa chuẩn từ phía các nhà lập pháp nhưng xuất phát từ lý luận và thực tiễn xét xử, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa khoa học của khái niệm tội cướp giật tài sản như sau: “tội cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng, công khai chiếm đoạt tài sản của chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý”.
Có quan điểm lại cho rằng “Tội cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản một cách công khai”.[1]
Như đã trình bày ở trên, tội cướp giật tài sản thuộc nhóm tội có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản được quy định tại chương XIV BLHS, tuy nhiên mặt khách quan của tội cướp giật tài sản có dấu hiệu đặc trưng của nó, đó là “công khai”“nhanh chóng”, cần lưu ý là “công khai”, “nhanh chóng” không phải là hai hành vi trong tội cướp giật tài sản, mà nó được xem là dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội danh này. Chính dấu hiệu đặc trưng ấy giúp chúng ta có ranh giới để phân biệt tội cướp giật tài sản với các tội danh khác có cùng tính chất chiếm đoạt.
Thế nào là công khai? Phải chăng chiếm đoạt tài sản nơi đông người được xem là công khai? Câu trả lời là không. Vậy thế nào mới được xem là công khai trong tội danh này. Hiểu một cách đơn giản thì đó là việc mà người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác khi họ không có ý định che giấu hành vi của mình, và công khai ở đây là công khai đối với chính chủ tài sản – người đang trực tiếp quản lý hoặc sở hữu tài sản. Tuy người phạm tội có cho  những người khác – không phải là chủ tài sản, nhìn thấy hành vi chiếm đoạt của mình mà lại che giấu đối với chính chủ tài sản thì đây không phải là dấu hiệu của tội cướp giật tài sản. Nói cách khác, dấu hiệu công khai là công khai đối với chỉnh chủ tài sản, ngay tại thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt, chủ tài sản có thể nhận thức được ngay hành vi đó và trong ý thức chủ quan của người phạm tội cũng không hề có ý định che giấu nó.
Về dấu hiệu nhanh chóng. Thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt có thể diễn ra dưới những hình thức khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của tài sản chiếm đoạt, vị trí, cách thức giữ tài sản cũng như những hoàn cảnh bên ngoài khác[2]. Thường thì gồm có ba dạng, đó là: nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt, và nhanh chóng tẩu thoát.  Tuy nhiên, trên lý thuyết và thực tế, không nhất thiết một hành vi cướp giật tài sản đòi hỏi phải hội tụ đủ ba dạng nêu trên. Theo quan điểm tác giả cho rằng chỉ cần dấu hiệu nhanh chóng có một trong ba dạng trên là đã có thể được coi là thõa mãn dấu hiệu nhanh chóng. Cần phải hiểu rằng, dấu hiệu nhanh chóng là việc thực hiện hành vi một cách liên tiếp về mặt thời gian – bởi nếu việc chiếm đoạt được thực hiện một cách chậm chạp, gián đoạn thì người phạm tội sẽ không thể có được tài sản nếu không cần thêm một số “biện pháp” khác như: dọa, nạt, dùng vũ lực…
Cần lưu ý đến điểm đ khoản 2 Điều 136 BLHS về tình tiết định khung tăng nặng: hành hung để tẩu thoát.  Là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô, ngã…nhằm tẩu thoát[3].  Người phạm tội đã có hành vi dùng sức mạnh chống lại việc bắt giữ để tẩu thoát. Việc chống trả này không đòi hỏi phải gây thương tích. Mục đích của việc chống trả là nhằm tẩu thoát[4].
Cũng như các tội danh khác thuộc chương sở hữu, tội cướp giật tài sản hai khách thể được luật hình sự bảo vệ là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu, xuất phát từ một trong các  nhiệm vụ của Luật hình sự là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được ghi nhận tại Điều 1 BLHS. Khi hành vi cướp giật tài sản được thực hiện trên thực tế, thì đối tượng tác động lúc này là sức khỏe chủ tài sản và tài sản của họ. Cũng cần lưu ý là phần lớn các tội trong chương sở hữu đều có hai khách thể giống như tội cướp giật tài sản, vì thế trong quá trình định tội không thể chỉ dựa vào khách thể của tội phạm để khẳng định được.
Có quan điểm cho rằng tính mạng là cũng là đối tượng tác động của tội này bởi vì tình tiết làm chết người là tình tiết định khung tăng nặng được ghi nhận tại điểm a khoản 4 Điều 136 BLHS. Tuy nhiên quan điểm tác giả không cho là vậy, xét về mặt chủ quan, khi thực hiện hành vi phạm tội, cái đích mà người phạm tội hướng tới chính là tài sản chứ không phải là tính mạng của chủ tài sản, và đó cũng chính là mục đích duy nhất của tội danh này. Nếu việc gây tổn hại cho tính mạng cho chủ tài sản là chủ ý của người phạm tội trong lúc thực hiện việc chiếm đoạt tài sản thì đấy không còn là tội cướp giật tài sản nữa. Hay nói cách khác, trong tội cướp giật tài sản thì việc gây ra tổn hại cho tính mạng của chủ tài sản là nằm ngoài mong muốn, lỗi vô ý của người phạm tội. Có thể lấy ví dụ sau để minh họa cho việc làm chết người theo điểm a khoản 4 Điều 136 BLHS: Khoảng 18 giờ ngày 02/3/2011, Đào Quốc Hiền dùng xe mô tô chở Ngô Văn Hậu đi lòng vòng trên các đường phố ở TP. NT tỉnh Khánh Hòa tìm người nào có tài sản và sơ hở để cướp giật. Khi đến đoạn đường Ngô Gia Tự thì phát hiện chị Nguyễn Công Hoàng Dung đang điều khiển xe máy đi cùng chiều ở phía trước, trên giỏ xe có để một túi xách bằng vải nhiều màu sắc. Hậu ra hiệu cho Hiền bám theo phía sau xe chị Dung. Khi đến đoạn đường Nguyễn Chánh thì Hiền cho xe chạy nhanh lên áp sát vào bên trái xe chị Dung, Hậu ngồi sau chồm người sang giật giỏ xách của chị Dung, hành vi đó của Hậu đã làm cho xe của chị Dung mất thăng bằng và ngã xuống, khi đó chị Dung vì sợ quá mà tim ngừng đập nên đã chết.
Ngoài ra, không phải bất kì tài sản nào cũng có thể là đối tượng bị chiếm đoạt bởi tội cướp giật tài sản được. Một số tài sản như: chim thú trên rừng, nguồn nước, đường xá…lại không thể trở thành đối tượng của cướp giật tài sản được. Nếu chủ thể thực hiện tội phạm nhận thức rõ tài sản mà mình định chiếm đoạt lại rơi vào trường hợp đặt biệt như: ma túy, vũ khí quân dụng, hàng cấm, thuốc nổ, chất phóng xạ… do tính năng công dụng đặt biệt của các loại hàng hóa này mà hành vi chiếm đoạt các loại tài sản đó không còn nằm trong nội hàm của cướp giật tài sản nữa.
Tài sản bị chiếm đoạt trong tội cướp giật tài sản phải  là tài sản đang nằm trong sự quản lý của chủ tài sản. Thông thường thì đó là những vật nhỏ, gọn, nhẹ, dễ dàng mang đi được…Vì sao lại đặt ra vấn đề này, bởi vì đối với các tài sản nặng, lớn, như xe tải, xe oto, máy bay, căn nhà…thì việc thực hiện hành vi chiếm đoạt một cách nhanh chóng là không khả thi, muốn có được những tài sản ấy, người phạm tội phải dùng cách khác, và chính “cách khác” bất hợp pháp đó mà người thực hiện hành vi có thể phải gánh lấy những tội khác.
Và là tài sản đang có người quản lý thì mới có thể trở thành đối tượng tác động của tội cướp giật tài sản, không cần biết là người quản lý tài sản đó có hợp pháp hay không. Ví dụ: Sau khi trộm được 5 triệu đồng của B, A liền mang đến ngân hàng để gửi, trên đường đi thì A bị C điều khiển xe máy áp sát và giật cái giỏ có tiền mà A vừa trộm được rồi tẩu thoát. Quy định như vậy là phù hợp, bởi cái mà Luật hình sự cần đó là trừng trị những kẻ có tội, nhằm giáo dục tư tưởng của họ, cho nên cần thiết phải xử lý hình sự người cướp giật trong trường hợp này.
Chủ thể của tội cướp giật tài sản là chủ thể thường, người thực hiện hành vi phạm tội phải đủ tuổi chịu TNHS theo Điều 12 BLHS và không rơi vào các trường hợp không có năng lực TNHS theo Điều 13 BLHS.

2.      Những điểm chưa phù hợp của tội cướp giật tài sản.
-          Thế nào là hành vi cướp giật tài sản chưa được nhà làm luật chi tiết hóa.
Như đã trình bày ở trên, các nhà làm luật không có quy định mô tả hành vi cướp giật tài sản, chúng ta chỉ có thể chắc chắn là tội cướp giật tài sản thuộc dạng hành vi chiếm đoạt, bởi tội này được quy định trong chương các tội phạm về sỡ hữu, còn cụ thể dấu hiệu của hành vi đó lại chưa được luật cụ thể hóa. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy là không thống nhất quan điểm về tội danh này không chỉ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn đối với những công dân bình thường – sẽ rất khó trong việc hiểu và tiếp cận được chính xác thống nhất tội danh này.

Nếu cho rằng là dựa vào thực tiễn và kinh nghiệm xét xử để nêu lên các dấu hiệu của tội danh này thì càng có vấn đề. Bởi vì ngay tại Điều 2 BLHS đã có quy định “Chỉ người nào phạm một hay nhiều tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì thế BLHS là căn cứ hợp pháp duy nhất để xét xem hành vi của cá nhân có phải là tội phạm hay không, mà cũng không thể là các văn bản hướng dẫn thi hành được. Và cũng suy ngay từ chính từ điều luật này thì khi một cá nhân thực hiện một hành vi mà chưa được pháp luật hình sự cấm thì không được xem là tội phạm.

Hệ thống pháp luật nước ta theo dạng luật thành văn, tức luật được thể hiện trên văn bản, được ban hành theo một trình tự, thủ tục nhất định. Những án lệ, quan điểm cá nhân, hay tập thể cũng không được xem là quy phạm pháp luật. Sự thiếu xót trong việc mô tả tội cướp giật tài sản phải được sửa chữa kịp thời.

-          Quy định định của khung hình phạt cơ bản là quá cao.

Quan điểm tác giả cho rằng tội cướp giật tài sản có cấu thành hình thức, không phụ thuộc vào giá trị tài sản là bao nhiêu, chỉ cần chiếm đoạt được tài sản là đã cấu thành tội danh này. Như vậy, trên thực tiễn sẽ có lúc, người phạm tội nhận thức rõ giá trị tài sản là không đáng kế (ví dụ: điện thoại trị giá 400.000đ, cái giỏ sách cũ, cái mũ, cái dép giá trị thấp…) tuy nhiên họ vẫn thực hiện việc “cướp giật tài sản”, trong trường hợp này mức khung hình phạt thấp nhất mà họ phải gánh chịu theo khung cơ bản là một năm tù, tối đa là năm năm tù. Và người phạm tội có thể bị chịu mức hình phạt cao nhất là năm năm tù chỉ vì “cướp giật” một cái mũ 20000đ (Hội đồng xét xử có toàn quyền áp dụng). Xét thấy mức khung hình phạt tại khung cơ bản chưa phù hợp, nên bổ sung thêm các loại hình phạt khác trong khung cơ bản như: cảnh cáo, cải tạo không giam giữ,…hay có sự phân loại giá trị tài sản chiếm đoạt để áp dụng phù hợp với khung hình phạt.

-          Cần bổ sung tình tiết tăng nặng TNHS trong trường hợp “phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang có thai”.

Như đã phân tích ở trên, hành vi cướp giật tài sản có dấu hiệu nhanh chóng và công khai. Biểu hiện của dấu hiệu nhanh chóng rất đa dạng, không thể có việc người phạm tội đến gần nạn nhân và lấy tài sản đi một cách nhẹ nhàng. Thông thường hành vi cướp giật tài sản tác động đến tinh thần và sức khỏe của người đang quản lý tài sản. Xuất phát từ đặc điểm sinh học, của phụ nữ đang mang thai thì lại càng phải được quan tâm đặc biệt, bởi đây là nhóm chủ thể mang trong người “mầm non” tương lai, các chủ thể này dễ bị tổn thương về tinh thần lẫn sức khỏe. Khi người phạm tội nhận thức đối tượng mà mình tác động đến đang mang thai mà vẫn thực hiện việc chiếm đoạt, cho thấy họ coi thường các đặc điểm này của phụ nữ đang mang thai, vì thế cần có cơ chế trừng phạt phù hợp đối với trường hợp này.

-          Sự bất hợp lý trong quy định tình tiết hành hung để tẩu thoát.
Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 2/VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BTP ngày 25/12/2001 về hành hung để tẩu thoát thì đó là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô, ngã…nhằm tẩu thoát[5]
Từ hướng dẫn trên, có một số điểm đáng chú ý sau: bị phát hiện và bị bắt giữa, bị bao vây bắt giữ, đã có hành vi chống trả. Sở dĩ tại sao phải chú ý các điểm này, bởi vì chính những điểm này mới nói lên rằng “hung thủ” có hành vi hành hung để tẩu thoát, làm cơ sở cho việc định khung hình phạt. Tuy nhiên, đã phát sinh một số vấn đề sau:
+ Bị phát hiện và bị bắt giữ: phần lớn các trường hợp cướp giật tài sản, người chủ tài sản sẽ phát hiện ngay mình bị “giật” tài sản – đó chính là việc “phát hiện”, thông thường ngay sau đó họ sẽ cố gắng đề giành lại tài sản của mình, có thể bằng các biện pháp như đánh lại, nắm áo, nắm tay, trói tay, giật lại…vậy trong các hành động trên thì hành động nào được xem là “bắt giữ”? Dĩ nhiên, đây không phải là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tố tụng hình sự. Vậy thế nào là “Bị phát hiện và bị bắt giữ” chưa được luật giải thích rõ.
+ Bị bao vây bắt giữ: phải chăng “bao vây” là việc chủ tài sản tự mình thực hiện để giành lại tài sản, hay cần đến sự trợ giúp của một người nữa, hay hai người  nữa, hay bao nhiêu người? Và nên hiểu “bao vây” là thế nào? Đây là khái niệm khá mơ hồ.
Để làm rõ hơn, tác giả lấy ví dụ sau: B đang chạy tập thể dục buổi sáng, vừa chạy vừa nghe điện thoại, thấy thế A đội mũ bảo hiểm để che mặt và xông tới giật điện thoại rồi bỏ chạy, B liền rượt theo, thấy B chạy nhanh quá, A lo lắng có thể bị đuổi kịp nên đã quăng cái mũ bảo hiểm vào mặt B, làm cho B bị xây sát nhẹ.
Đối chiếu với quy định trên ta thấy rằng A không hề bị bắt giữ, không hề bị bao vây, tuy nhiên A có hành vi chống trả để nhằm tẩu thoát, vậy có xem việc quăng mủ bảo hiểm của a để ngăn cản việc truy đuổi của chị B là hành vi hành hung để tẩu thoát không? Chắc chắn là không thể.
Cách quy định trên của TTLT 02 là chưa phù hợp, bởi lẽ chỉ khi nào có một trong hai điều kiện là: “Bị phát hiện, bị bắt giữ và đã chống trả nhằm tẩu thoát” hay “bị bao vây bắt giữ và đã chống trả nhằm tẩu thoát” thì mới có cơ sở căn bản xem xét đến dấu hiệu hành hung để tẩu thoát.
Quy định như vậy có thể dẫn đến bỏ sót những hành vi mà đáng lẽ phải bị tăng nặng TNHS, ví dụ trên là một điển hình.
Bộ luật hình sự đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên vẫn tồn đọng những điểm chưa hợp lý, những điểm chưa hợp lý ấy dẫn đến những bất cập trong việc giải quyết vụ án hình sự và xâm phạm đến quyền lợi của bị buộc tội. Để tránh có những thiếu xót, các nhà làm luật nên nhìn vào thực tiễn và lắng nghe nhiều hơn để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ, từ đó ban hành những quy định phù hợp cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.




[1] Giáo trình Luật hình sự tập 2, Trường ĐH Luật Hà Nội, NXB CAND, năm 2011, trang 27.
[2] Giáo trình Luật hình sự tập 2, Trường ĐH Luật Hà Nội, NXB CAND, năm 2011, trang 28.
[3] Thông tư liên tịch số 2/VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BTP ngày 25/12/2001.
[4] Một số ý kiến về tình tiết hành hung để tẩu thoát trong BLHS, Nguyễn Ngọc Hòa, Tạp chí tòa án nhân dân, số 10/1990.
[5] Thông tư liên tịch số 2/VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BTP ngày 25/12/2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét